TP HCM ‘khát’ nước sạch

Tin tức

TP HCM ‘khát’ nước sạch


Nguồn nước nhiều khu vực tại TP HCM đang bị nhiễm mặn nghiêm trọng, trong khi nhiều nơi thiếu nước trầm trọng do khô hạn gia tăng.

Thông tin trên được đưa ra theo khảo sát của Viện Kỹ thuật Tài nguyên nước và Môi trường cuối tháng 2 vừa qua.

Tại khu vực sông Nhà Bè - Đồng Nai, mức mặn 4 phần nghìn đã vượt qua Cát Lái, quận 2. Tương tự, sông Sài Gòn, tại Thủ Thiêm (quận 2) đã nhiễm mặn đến 3 phần nghìn. Riêng khu vực huyện Bình Chánh, mặn 7 - 8 phần nghìn đã vượt qua khu vực cầu Ông Thìn, lấn sâu hơn vào đồng ruộng. Cùng với ngập mặn, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt tại các vùng ven đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người dân các quận, huỵên phía Nam thành phố.

Gấp rút chống xâm nhập mặn

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi phòng chống lụt bão TP HCM, hiện tình hình xâm nhập mặn diễn biến khá phức tạp. Do đang kỳ hạn hán nên nguồn nước các sông Đồng Nai, Sài Gòn về ít, tạo thuận lợi cho xâm nhập mặn tăng đột biến. Tại khu vực Nam Bộ, dự báo khoảng tháng 3 và tháng 4 sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, trong khi nước mặn sẽ xâm nhập rất sâu vào đất liền.

Ở thành phố lớn cỡ nhất nước, nhưng người dân TP HCM vẫn phải xách xô đi mua nước sạch. Ảnh: Lê Hưng.
Dù lượng xâm nhập mặn vẫn đang được kiểm soát, song trước tình hình khô nóng kéo dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan luôn trong tư thế sẵn sàng “tuyên chiến” với nạn ngập mặn. Tăng cường quan trắc mặn để tranh thủ lấy nước tối đa trong điều kiện cho phép; giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh nội đồng… là các nhiệm vụ thường xuyên. Các vùng trũng ven sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Cần Giuộc, phía Nam huyện Bình Chánh, các quận 8, 6, 4, 1, 2, Bình Thạnh chính là những điểm được xác định sẽ bị ngập mặn “tấn công”.

Bác Tám Hưng, ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, cho biết: gần đây, rất nhiều khu sản xuất trong vùng bị nhiễm mặn, đe dọa rau màu. Mấy ngày nay, bà con nông dân Củ Chi ráo riết phối hợp với Phòng kinh tế huỵên nạo vét, gia cố và tu bổ hệ thống kênh Đông - hệ thống thủy lợi chính dẫn nước sản xuất nông nghiệp. Tương tự, không khí chống ngập mặn cũng đang diễn ra hết sức khẩn trương tại những công trình thủy lợi được thành phố đầu tư, tạo vành đai xanh, như kênh Đông Củ Chi, kênh N31A, Hóc Môn - Bắc Bình Chánh…

Giá nước ‘cắt cổ’

Cùng với sự đe dọa của ngập mặn, tình trạng thiếu nước ngọt đang trở nên rất gay gắt tại nhiều khu vực phía Nam thành phố. Từ sau Tết Canh Dần đến nay, người dân ở các khu vực phường 17, quận Gò Vấp, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) và huyện Nhà Bè luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.

Tại khu vực đường Huỳnh Tấn Phát (nối quận 7 và huyện Nhà Bè), nhiều người dân đã phải đi xếp hàng mua nước từ 4h tại bồn cấp nước gần phà Bình Khánh (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè).

Chị Châu Thị Hai (nhà số 3/5) và ông Nguyễn Văn Tư (nhà số 23/3), ở cùng ấp 5, cho biết: “Đến sớm còn chia được vài lít, chứ trễ hơn một tiếng đồng hồ là phải ngồi canh đến 10h mới mua được nước mang về”.

Nhiều người không chờ nổi đành mua nước bên ngoài. Giá nước “chợ đen” hồi đầu năm từ 30.000 đến 50.000 đồng một m3, nhưng nay đã bị đẩy lên 100.000 đồng một m3.. Còn ở gần cầu Rạch Đĩa (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), người dân cũng phải mua nước với giá 30.000 - 40.000 đồng một m3. Tương tự, người dân phường Phú Thuận (quận 7) phải thức đến 1 - 2h để bơm nước dự trữ, vì hơn một tháng nay, vòi nước ngưng chảy vào ban ngày.

Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè cho biết, hiện quận 7 và huyện Nhà Bè đang thiếu khoảng 30.000 m3 nước một ngày. Trước đây, hàng ngày có xe  bồn chở khoảng 1.800 - 2.000 m3 nước cung cấp cho các khu vực thiếu nước. Năm nay, công ty còn thuê thêm sà lan, với 700 m3 nước tăng cường mỗi ngày, nhưng vẫn không thể cung ứng đủ nhu cầu. 

 

Theo baodatviet.vn


Tin liên quan

Sản phẩm

Hỗ trợ Online

Mr.Vuong .0948377709