Người đàn ông giàu nhất thế giới Carlos Slim đã thể hiện tài năng kinh doanh ngay từ lúc là một cậu bé 10 tuổi, khi ông nhét đầy túi những đồng peso kiếm được nhờ bán đồ uống và đồ ăn nhẹ.
Ở tuổi thiếu niên, cậu tiếp tục ghi chép và tính toán những món chi tiêu cũng như khoản tiền kiếm được; mua trái phiếu chính phủ để từ đó học được bài học về lãi suất.
Hơn nửa thế kỷ sau, tỷ phú Slim 70 tuổi với khối tài sản trị giá 53,5 tỷ USD đã đánh bại nhà sáng lập Microsoft Bill Gates để trở thành người đứng đầu danh sách những cá nhân giàu có nhất thế giới, do tạp chí Forbes công bố hôm qua.
Đế chế kinh doanh rộng lớn của ông bao gồm những cửa hàng nổi tiếng nhất, công ty viễn thông lớn nhất, nhiều khách sạn, nhà hàng, công ty khoan dầu, xây dựng và ngân hàng Inbursa của Mexico. Người ta khó có thể trải qua một ngày ở Mexico mà không trả ông ít tiền nào.
Bên ngoài nước, Slim có cổ phần ở nhiều tập đoàn danh tiếng như hãng bán lẻ Sak và New York Times Co.
Sự nghiệp của ông bắt đầu phát triển mạnh vào năm 1990, khi ông và các đối tác mua công ty điện thoại quốc doanh đang khật khừ Telmex với giá 1,7 tỷ USD. Slim biến nó thành một cỗ máy kiếm tiền hàng đầu, rồi từ đó ông xây dựng nên America Movil, mở rộng không ngừng thông qua các thương vụ sáp nhập để biến nó thành hãng điều hành viễn thông không dây lớn thứ tư thế giới.
Trong khi những người không ưa chỉ trích Slim lợi dụng tình trạng độc quyền để làm giàu, Slim có một triết lý đơn giản về chuyện kiếm tiền.
"Sự giàu có giống nwh một vườn cây ăn quả", ông từng nói với Reuters năm 2007. "Với cái vườn ấy, việc anh phải làm là làm cho nó lớn lên, đầu tư cho nó rộng ra, mở rộng sang những khu khác nữa".
Với hình ảnh quen thuộc là điếu xì gà trên môi, Slim đi mua những công ty đang làm ăn khó khăn và biến chúng thành những con bò sữa.
Năm 2008, ông mua một ít cổ phần của New York Times khi giá cổ phiếu hãng này tụt dốc. Giờ đây, từ 250 triệu USD ông cho nhà xuất bản này vay, Slim đã có thể kiếm 80 triệu và có 16% cổ phần. Tuy nhiên Slim vẫn nói ông không có ý muốn trở thành một ông trùm truyền thông Mỹ.
Tuy nhiên khoản đầu tư này của Slim khiến nhiều người trong giới truyền thông ở New York lo ngại. Các nhà đầu tư thì đoán rằng ông có thể dấn thêm bước nữa trong việc mua Times; còn trùm truyền thông Rupert Murdoch nói ông nghi ngờ khả năng ban lãnh đạo hãng này nhường quyền kiểm soát cho người ngoài gia đình, nhất là người nước ngoài.
Lối sống căn cơ
Slim được học bài học đầu tiên về kinh doanh từ cha mình, ông Julian Slim Haddad, một người Li băng di cư đến Mexico đầu những năm 1900 và mở cửa hàng bách hóa "Ngôi sao phương Đông". Slim cha đã mua những tài sản có giá rẻ trong thời gian xảy ra cuộc Cách mạng Mexico.
Năm 1987, khi giá cổ phiếu lao dốc trong một trong những cuộc khủng hoảng ở Mexico, Slim nhận thấy cơ hội trong khi những người khác lo sợ, ông đã mua nhiều cổ phiếu giá thấp và bán chúng đi khi kinh tế hồi phục.
"Chúng tôi biết rằng những cuộc khủng hoảng chỉ là tạm thời, không thể có con quỷ nào sống đến 100 năm", Slim từng nói. "Khi khủng hoảng xảy ra, có những sự đánh giá này nọ, có sự hoảng loạn, và nhiều tài sản bị định giá thấp".
Khối tài sản khổng lồ của Slim không khiến ông từ bỏ lối sống giản dị. Ông vẫn sống trong ngôi nhà đã sống 40 năm nay và lái một chiếc Mercedes Benz cũ kỹ. Chiếc xe này được bọc thép và được các vệ sinh canh giữ cẩn thận. Ông không hề dùng chuyên cơ đắt tiền, du thuyền hay những thứ đồ xa xỉ mà tầng lớp thượng lưu Mexico vẫn ham chuộng.
Con đường làm giàu
Chàng thanh niên Slim, sau khi tốt nghiệp kỹ sư, đã lập ra một công ty bất động sản và làm việc cho thị trường chứng khoán Mexico. Khi đã có trong tay một ít vốn, anh mở công ty môi giới vào giữa thập niên 60 và trong một thập kỷ sau đó mua các công ty đang làm ăn thua lỗ, trong đó có một hãng thuốc lá. Ông mua một cửa hàng bách hóa và cà phê, một công ty khai mỏ và một vài hãng sản xuất dây cáp và lốp xe.
Năm 1990, Slim dùng tài sản có được để hùn cùng với đốc tác mua công ty Telmex rồi từ đó mở rộng đế chế viễn thông. Hãng America Movil của ông hiện giờ có 201 triệu khách hàng trải dài từ Brazil đến Mỹ.
Slim trao quyền điều hành công việc hàng ngày ở hãng cho ba người con trai và những đối tác kinh doanh thân cận, nhưng ông vẫn chứng tỏ là người cầm cương, chịu trách nhiệm chính mỗi khi xuất hiện cùng họ trước giới truyền thông.
Slim đã bắt đầu tham gia vào sự nghiệp chống đói nghèo, mù chữ và tình trạng y tế lạc hậu ở châu Mỹ Latinh; đẩy mạnh các dự án thể thao dành cho người nghèo. Tuy nhiên ông chưa từng đề cập đến những kế hoạch chuyển một phần tài sản của mình cho các quỹ từ thiện như Bill Gates hay Warren Buffett đã làm.
Slim nói rằng các doanh nhân làm nhiều điều tốt cho xã hội bằng cách tạo ra việc làm và sự thịnh vượng thông qua các khoản đầu tư của họ, chứ "không cần phải làm ông già Noel".
Thanh Mai