Tại cơ quan công an, những cô nữ sinh có mặt trong đoạn clip tỏ ra khá nhí nhảnh, vui vẻ chuyện trò. Có vẻ như thì chuyện đánh nhau như trong đoạn clip đối với họ chỉ là “chuyện thường phố huyện”, trong khi người lớn lại "sốc”.
Ngày 15/3, Công an Hà Nội làm rõ nhân vật đã "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" trong đoạn video clip với một nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông là Phạm Tường Vy (sinh năm 1993). Cùng chung độ tuổi với nạn nhân, Vy tỏ ra khá “bản lĩnh” khi không chịu khai nhận.
Theo một cán bộ điều tra, cả nhóm của Vy chỉ chịu khai nhận khi được biết đã có nhân chứng kể lại toàn bộ câu chuyện. Vẫn áo kẻ, quần jean và mái tóc tém, Vy nhát gừng kể về mình.
Bố mẹ bỏ nhau từ nhỏ, Vy sống với mẹ và anh trai. Người anh trai khá nghiêm khắc với cô em gái, nhưng cũng không ngăn nổi những vụ gây rối của cô em bướng bỉnh. Khi được hỏi về bố, Tường Vy không mấy thoải mái.
Sở hữu cái miệng nhỏ xinh, đôi mắt sắc đầy nữ tính nhưng Vy lại thích ăn mặc như con trai. Vốn cá tính, ngay từ hồi cấp 1, Vy đã đòi bố mẹ cho đi học võ.
Những gì thoát ra từ cái miệng nhỏ xinh xắn của Vy là thứ pha trộn giữa sự trong sáng hồn nhiên của một cô bé mới lớn và sự ngang tàng, bất cần chớm thấm chất hảo hán của một tay anh chị có “số má”.
|
HS Trường THPT Trần Nhân Tông trong buổi học chiều 15/3. Ảnh: Bảo Anh
|
Đang học dở Trường THCS Tô Hoàng, Hà Nội, Vy bỏ học và theo học thêm đủ thứ, trong đó, Vy còn học nhảy hip hop. “Nhóm của cháu toàn con trai nên chúng nó rất chiều cháu”, Vy hồn nhiên nói.
Vy cho biết, đây không phải lần đầu cô đánh nhau: “Thỉnh thoảng, có đánh nhau nhưng là cả hai lao vào nhau chứ không phải chỉ mình đánh, nó ngồi im như lần này”, lời của Vy.
Kể về mâu thuẫn với nạn nhân trong đoạn video clip, Vy cho biết: Trong một lần tải ảnh lên trang diễn đàn của Trường THPT Trần Nhân Tông hộ một người bạn với cái nick mới toe, tự nhiên Quỳnh Anh có nhảy vào chửi bới dù chưa biết Vy là ai.
Theo lời Vy: “Sau đó, nó còn đi nói xấu cháu rất nhiều với mọi người trong trường. Tức lắm nhưng cháu cũng chả thèm nói lại nửa lời”.
Khi được hỏi về mâu thuẫn với Quỳnh Anh, Vy tranh thủ nói xấu cô nữ sinh đã bị mình hành hung đúng theo cách của một đứa trẻ mới lớn. Nhưng Vy cũng "chợt biến thành một tay anh chị" khi lạnh lùng cho biết "không hề sợ nếu có bị đi tù vì đánh nhau".
Theo Vy thì: “Chuyện chẳng có gì, mọi người chỉ đẩy nó lên quá và nếu có bị đi tù thì cháu cũng không sợ, tội cháu đến đâu thì các bác xử cháu đến đó”.
Vy khoe: "Cháu đánh thế đã ăn thua gì đâu, vẫn nhẹ mà. Ở ngoài đời, còn có những vụ đánh nhau ác liệt hơn thế!".
Nạn nhân lên tiếng
Tại cơ quan công an, những cô nữ sinh có mặt trong đoạn clip tỏ ra khá nhí nhảnh, vui vẻ chuyện trò. Cô nào trông cũng xinh xắn, duyên dáng, khiến người ta khó có thể hình dung ra “trận chiến” gây xôn xao trước đó.
Sau trận đòn đau, khi được phụ huynh hỏi, Quỳnh Anh cho biết: Mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa, không có chuyện gì to tát cả.
Thật ra, hôm đó, Quỳnh Anh bị đánh khá đau, nhưng không dám chạy vì chỉ có một mình, trong khi xung quanh là đám bạn của Vy.
Theo lời Quỳnh Anh: "Khi về nhà, trên cơ thể một số cũng bị tím tái, đầu đau điếng nhưng cháu không dám nói vì sợ bố mẹ phải suy nghĩ. Khi mọi chuyện vỡ lở, mẹ cháu lo lắng dặn dò rất nhiều, nhất là lối sống và cư xử với bạn bè."
Ngồi cạnh Quỳnh Anh, cô bạn cùng lớp có tên Ngọc Diệp - người trước đó đã hẹn Quỳnh Anh di “nói chuyện” chen ngang: "Sau mỗi trận đánh nhau thì lại trở thành bạn tốt của nhau. Chúng cháu giờ cũng vậy đấy...".
Có vẻ như đối với các cô nữ sinh thì chuyện đánh nhau như trong đoạn clip chỉ là “chuyện thường phố huyện”, trong khi người lớn lại "sốc”.
Quỳnh Anh tâm sự: “Sau khi đoạn clip được tung lên mạng, cô vẫn đến trường và đi học bình thường, dù có hơi ngại với bạn bè vì biết mọi người đã được “chiêm ngưỡng” hình ảnh không mấy đẹp mắt của mình.”
Sự vô cảm của người lớn
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng PC 14, Công an Hà Nội nhấn mạnh đến sự thờ ơ của người lớn. Theo ông Chung, vụ việc diễn ra giữa ban ngày, ngay trước một quán bia có rất nhiều bậc làm anh, làm cha, làm chú ngồi uống bia, nhưng không hề có ai đứng lên can thiệp hoặc gọi điện báo cho công an. “Cuộc chiến” kéo dài cho đến khi một bà bán hàng nước vào can và dọa báo công an.
Ông Chung nhớ lại vụ trọng án xảy ra ở cổng Trường THPT Nguyễn Trãi vào ngày 24/10/2009, khiến một cựu học sinh trường này tử vong. Theo lời ông Chung, khi xảy ra cuộc đánh nhau, xung quanh có nhiều người lớn, nhưng không hề có ai nhảy vào can ngăn các em.
Đối với nhiều bậc phụ huynh, họ không hề hay rằng, sau khi thả con ở cổng trường, nhiều “cậu ấm, “cô chiêu” không hề vào lớp học, mà bỏ học đi chơi, đến giờ tan trường lại có mặt ở cổng trường chờ cha mẹ đến đón.
Ông Chung chia sẻ: “Hồi tôi đi học, hỏi đến học sinh nào là cô giáo biết rõ học sinh đó nhà ở đâu, bố mẹ thế nào, nhưng giờ liệu có bao nhiêu cô chủ nhiệm nắm được địa chỉ và những thông tin cơ bản về gia đình học sinh của mình?”
Theo lời ông Chung, ngoài việc cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các em học sinh trong giờ học, nhà trường cần tăng cường củng cố cho các em những bài học về văn hóa ứng xử...
"Hai gia đình chúng tôi cũng không ngờ các cháu lại làm thế với nhau"
Chị Nguyễn Thị Y. , mẹ Quỳnh Anh cho biết thêm, khi gia đình hỏi tại sao phải giấu bố mẹ chuyện bị đánh hai lần chỉ trong một buổi chiều, em khóc và nói: “Con nghĩ không có gì trầm trọng nên không nói với bố mẹ, sợ bố mẹ mắng thêm và xấu hổ với bạn bè”.
Nhưng khi xem lại video trên báo thì nữ sinh này bị xúc động mạnh. “Cháu khóc rất nhiều vì cháu không nghĩ là bị quay phim. Hiện tại, gia đình tôi cũng phải giấu không cho bố cháu xem băng ghi hình đó vì nếu xem bố cháu sẽ sốc nặng.
Mẹ Quỳnh Anh cũng cho biết, ngay sau khi biết nữ học sinh bị đánh là học trò của mình, cô giáo chủ nhiệm cũng đã gọi điện đến động viên em và cho biết các bạn em cũng đã rất bất bình khi em bị đối xử như vậy.
Nhận xét về con gái, chị nói Quỳnh Anh khá trầm tính, ít nói và thường tâm sự nhiều với bố. Suốt 9 năm học, cháu đều là học sinh khá giỏi nhưng bắt đầu vào lớp 10 cháu lại bị yếu môn Toán, còn các môn khác cháu vẫn đạt loại khá.
“Tôi nghĩ cơ quan điều tra sẽ xử lý đúng và tha thứ cho các cháu; để các cháu có cơ hội sửa đổi vì các cháu còn trẻ, quá nông nổi mới gây ra sự việc này. Chính hai gia đình chúng tôi cũng không ngờ các cháu lại làm thế với nhau”.
(Theo Dân Trí)
|
Theo VietNamNet