Tạo không khí thi đua phát triển CNTT-TT

Tin tức

Tạo không khí thi đua phát triển CNTT-TT


Giải thưởng CNTT - TT Việt Nam 2009 không chỉ nhằm tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, đóng góp hiệu quả mà còn nhằm tạo không khí thi đua ứng dụng và phát triển CNTT.


Ngày 20/3 tới đây sẽ diễn ra Lễ trao Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009. Báo Bưu điện Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, Trưởng ban Chỉ đạo Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2009 về quá trình xét giải và những nét mới của giải năm nay.

Năm nay là năm thứ hai Bộ TT&TT tổ chức giải thưởng CNTT-TT Việt Nam, xin Thứ trưởng cho biết những thuận lợi và khó khăn của Bộ trong quá trình tổ chức Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2009 so với lần đầu tiên tổ chức?

Tôi nghĩ, một trong những thuận lợi đầu tiên và quan trọng nhất đối với công tác tổ chức Giải thưởng chính là sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; của các cá nhân và của toàn xã hội đối với sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam nói chung.

Do đây là năm thứ 2 Bộ TT&TT tổ chức Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam, nên ngay sau khi tổ chức thành công Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2008, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết Giải thưởng, lắng nghe những ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà báo, phóng viên trong lĩnh vực CNTT-TT về việc tổ chức Giải thưởng. Kinh nghiệm rút ra từ công tác tổ chức Giải thưởng năm trước chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công tác tổ chức năm nay thành công hơn. Và đây cũng chính là một trong những thách thức đặt ra cho Bộ trong quá trình tổ chức Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể nhìn thấy các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng có xu hướng cạnh tranh, bám đuổi nhau rất sát sao trên các tiêu chí về ứng dụng CNTT; về năng suất, hiệu quả hoạt động; về doanh thu, lợi nhuận; về chất lượng dịch vụ cũng như về các đóng góp cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam. Ngoài ra, có một khó khăn chung trong công tác tổ chức các Giải thưởng là số lượng hồ sơ tham dự trong một lĩnh vực chưa hẳn là đã mang tính đại diện đầy đủ hoặc tương đối đầy đủ cho cộng đồng các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đó. Chính vì vậy, việc xem xét, lựa chọn đối tượng để trao Giải thưởng sao cho thực sự thuyết phục, được sự đồng tình rộng rãi của cả các chuyên gia lẫn dư luận xã hội cũng là một thách thức không nhỏ đối với Ban tổ chức.

Nguyen_minh_hong

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng.

Xin Thứ trưởng cho biết so với Giải thưởng CNTT-TT năm 2008, Giải thưởng năm nay có những điểm mới cơ bản gì? Thứ trưởng có thể chia sẻ lý do của những đổi mới, thay đổi đó?

Nếu như năm đầu tiên tổ chức (năm 2008), Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2008 xét và trao tặng Giải thưởng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực chính, với 21 Giải thưởng, thì Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 có sự đổi mới, mở rộng cả về lĩnh vực xét chọn, danh mục cũng như hệ thống tiêu chí xét chọn Giải thưởng.

Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 dự kiến có tổng cộng 30 Giải thưởng được trao trong 5 lĩnh vực. Một số Giải thưởng mới được bổ sung như:

- Lĩnh vực viễn thông, Internet: bổ sung thêm các Giải thưởng trong lĩnh vực viễn thông cố định, Giải thưởng dành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới xuất sắc nhất, doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dịch vụ trả sau xuất sắc nhất và doanh nghiệp Internet đưa băng rộng đến các hộ gia đình xuất sắc nhất.

- Lĩnh vực công nghiệp CNTT: mở rộng xét chọn thêm 3 Giải thưởng mới là: Phân phối; Tích hợp hệ thống và Doanh nghiệp trẻ.

- Lĩnh vực đào tạo: mở rộng đối tượng xét chọn và trao giải là các trường, các khoa đào tạo nhân lực CNTT cấp bằng theo hệ thống đào tạo quốc gia và các cơ sở đào tạo CNTT cho người khuyết tật.

- Lĩnh vực ứng dụng CNTT: bổ sung thêm Giải thưởng dành cho các cơ quan Nhà nước cấp Bộ, ngành; các cơ quan Nhà nước cấp quận, huyện và các cơ quan Nhà nước cấp Sở, ngành ứng dụng CNTT hiệu quả.

Hệ thống tiêu chí xét chọn Giải thưởng cũng có thay đổi so với năm 2008. Một trong số những điểm thay đổi cơ bản nhất là: nếu như Giải thưởng năm 2008 xây dựng một hệ thống tiêu chí chung để đánh giá và xét chọn cho từng lĩnh vực thì ở Giải thưởng năm 2009, việc xét chọn từng Giải thưởng sẽ dựa trên từng hệ thống tiêu chí riêng. Hệ thống tiêu chí để đánh giá và xét chọn Giải thưởng năm 2009 cũng được quy định chi tiết hơn so với năm 2008. Một điểm mới nữa trong cách thức đánh giá hồ sơ năm nay là khi tiến hành xem xét, đánh giá, Hội đồng cũng tham khảo, xem xét cả những kết quả bình chọn, đánh giá do các Hội - Hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan báo chí truyền thông công bố.

Việc thay đổi như vậy nhằm bám sát hơn nữa thực tế phát triển và ứng dụng CNTT-TT tại Việt Nam cũng như định hướng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT; nâng cao hơn nữa chất lượng đánh giá, xét chọn nhằm tôn vinh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có những thành tích xuất sắc, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của ngành CNTT-TT. Ngoài ra, với việc mở rộng Giải thưởng, Bộ TT&TT cũng hy vọng sẽ khuyến khích được nhiều hơn nữa các cơ quan, tổ chức tham gia, góp phần tạo nên một không khí thi đua tích cực trong việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT trên phạm vi cả nước.

Trong quá trình triển khai tổ chức Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009, đâu là những tiêu chí mà Ban chỉ đạo Giải thưởng đặc biệt chú trọng và đề cao, thưa Thứ trưởng?

Về tổng thể, "Dân chủ - Công khai - Minh bạch" tiếp tục là tiêu chí quan trọng nhất mà Ban chỉ đạo Giải thưởng đặc biệt chú trọng trong quá trình triển khai tổ chức Giải thưởng. Trong từng lĩnh vực Giải thưởng khác nhau thì những tiêu chí được chú trọng cũng khác nhau:

- Lĩnh vực viễn thông chú trọng tới các tiêu chí về chất lượng dịch vụ; hạ tầng, vùng phủ sóng và tốc độ tăng trưởng doanh thu.

- Lĩnh vực công nghiệp CNTT tùy theo từng nhóm Giải thưởng khác nhau mà chú trọng tới các tiêu chí khác nhau về năng suất lao động; số lượng khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ; yếu tố văn hóa - giáo dục của sản phẩm; quy mô, tổng số nhân lực của doanh nghiệp; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và tốc độ tăng trưởng doanh thu.

- Lĩnh vực ứng dụng CNTT chú trọng tới các tiêu chí về nâng cao năng lực quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp như triển khai công tác quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng; số lượng dịch vụ công mức độ 2, mức độ 3; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng thời hạn.

- Lĩnh vực đào tạo chú trọng tới các tiêu chí như số lượng học viên; đào tạo kỹ năng mềm và tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn đào tạo.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang triển khai xây dựng Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT. Xin Thứ trưởng cho biết trong quá trình tổ chức Giải thưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng hệ thống các tiêu chí xét và trao giải ở các lĩnh vực, Ban chỉ đạo Giải thưởng có xem xét, hướng đến các mục tiêu cần đạt được của bản đề án đó?

Khác với các Giải thưởng khác, Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam do Bộ TT&TT, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT, chủ trì tổ chức. Danh mục các giải thưởng và hệ thống tiêu chí xét chọn giải thưởng được xây dựng dựa trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và định hướng quản lý nhà nước của Bộ, vì vậy, có xem xét, hướng đến khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.

Ngoài ra, như tôi đã trao đổi, - Giải thưởng CNTT - TT Việt Nam 2009 không chỉ nhằm tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp có những thành tích xuất sắc, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của ngành CNTT-TT, mà còn nhằm tạo nên một không khí thi đua tích cực trong ứng dụng và phát triển CNTT - TT trên phạm vi cả nước. Tôi hy vọng điều này cũng góp phần xây dựng Việt Nam trở thành Quốc gia mạnh về CNTT - TT như quyết tâm mà Chính phủ đã đặt ra.

Là Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009, Thứ trưởng có nhận định, đánh giá như thế nào về các đơn vị, doanh nghiệp lọt vào Chung khảo Giải thưởng năm nay?

Năm nay, nếu không kể đến hồ sơ của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia một lĩnh vực riêng, sau quá trình làm việc, sàng lọc sơ bộ và qua đề cử của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các Hội - Hiệp Hội nghề nghiệp, Ban tổ chức đã nhận được hơn 170 hồ sơ hợp lệ, tham gia Giải thưởng trên các lĩnh vực viễn thông di động, cố định, Internet; lĩnh vực công nghiệp CNTT và lĩnh vực đào tạo; trong đó có 77 hồ sơ lọt vào Chung khảo để lựa chọn ra chủ nhân của 29 Giải thưởng.

Như đã đề cập đến ở trên, số lượng hồ sơ tham dự trong một lĩnh vực chưa hẳn là đã mang tính đại diện đầy đủ hoặc tương đối đầy đủ cho cộng đồng các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đó, nhưng về cơ bản, mỗi lĩnh vực của Giải thưởng đều thu hút được những đại diện ưu tú tham gia. Ở một vài Giải thưởng cụ thể, có trường hợp một doanh nghiệp vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên tất cả các tiêu chí đánh giá, nhưng trong trong đa số các trường hợp, khi xem xét, đánh giá, các hồ sơ lọt vào Chung khảo nằm trong khoảng rất gần nhau mặt điểm số.

Điều này cũng cho thấy sự chênh lệnh tương đối giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lọt vào Chung khảo Giải thưởng năm nay là không đáng kể.

Xin Thứ trưởng cho biết, trong quá trình xét giải, lĩnh vực nào là lĩnh vực khiến cho các thành viên Hội đồng Chung khảo gặp phải nhiều thách thức, khó khăn hơn cả?

Giải thưởng năm nay chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt về mặt điểm số giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tham gia. Ở mỗi lĩnh vực đều có trường hợp mà Hội đồng Chung khảo phải cân nhắc, xem xét, thảo luận rất kỹ. Ví dụ: Giải thưởng Doanh nghiệp viễn thông di động xuất sắc nhất, Giải thưởng Doanh nghiệp làm phần mềm và dịch vụ nội địa tốt nhất, Giải thưởng Doanh nghiệp máy tính thương hiệu Việt Nam xuất sắc nhất. Trong một số trường hợp, Hội đồng Chung khảo cũng đã phải bỏ phiếu để đi đến kết luận về việc trao giải. Với Giải thưởng Cơ sở đào tạo CNTT cho người khuyết tật tốt nhất, Hội đồng Chung khảo sau khi xem xét, thảo luận, đã thống nhất đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao thêm 01 Giải đặc biệt về Cơ sở đào tạo CNTT của chính những người khuyết tật cho người khuyết tật.

Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam sẽ được Bộ tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam. Trong 2 năm đầu, Giải thưởng tập trung chủ yếu vào viễn thông, CNTT. Trong năm tới, xin Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT có dự định thay đổi gì không? Bộ có cân nhắc đến việc sẽ mở rộng các lĩnh vực xét trao giải không?

Qua 2 năm tổ chức, Bộ TT&TT cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp hết sức quý báu của nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động trong cũng như ngoài ngành CNTT-TT cho Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh sao cho ngày càng phù hợp hơn với tình hình phát triển của ngành CNTT-TT và định hướng quản lý nhà nước của Bộ. Việc mở rộng các lĩnh vực xét trao Giải thưởng sang một số mảng quản lý nhà nước khác của Bộ như bưu chính cũng đã được thảo luận, đề cập đến và sẽ tiếp tục được cân nhắc, xem xét trong công tác tổ chức Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam những năm tiếp theo. Tuy nhiên, nếu mở rộng sang cả mảng báo chí, xuất bản, tôi nghĩ có lẽ cần đổi tên của giải thưởng thành Giải thưởng TT&TT thay vì là Giải thưởng CNTT-TT như hiện nay.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Ictnews


Tin liên quan

Sản phẩm

Hỗ trợ Online

Mr.Vuong .0948377709